(Theo dòng thời sự) - Hạn hán nghiêm trọng đã khiến
hàng trăm con bò tại Tây Nguyên chết, hàng ngàn con khác đang suy kiệt vì thiếu
nước uống... Thậm chí, cỏ cây chết cháy, bò phải tranh nhau ăn cả rác, bao tải
để cầm cự. Các loại gia súc khác, gia cầm cũng lâm vào cảnh tương tự.
Vật nuôi chết dần chết mòn
Chiều 14/4, PV có mặt tại địa bàn huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), nơi hạn hán đang diễn ra khốc
liệt nhất tỉnh Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên. Những ngày qua, vì nắng nóng
kéo dài, tại huyện đã có hàng trăm con bò chết khô vì nắng hạn. Các loại gia
súc khác, gia cầm khác cũng đang suy kiệt vì thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng.
Cụ thể, tại xã Ia Lốp đã có gần 100 con bò chết, trên 3.000 gia súc khác, gia cầm
chết; xã Ia Rê có trên 60 con bò chết; trên 2.000 gia súc, gia cầm chết... Tại
đây, cũng đang xảy ra hiện tượng lạ chưa từng có, bò phải tranh nhau ăn rác,
bao tải chỉ để cầm cự cái đói. Nguyên nhân của tình trạng này là do cỏ cây tại
địa bàn nhiều xã của huyện Ea Súp đã chết khô.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn
Tấn (ngụ xã Ia Lốp): ‘Chưa bao giờ hạn hán lại diễn ra nghiêm trọng như vậy tại
Tây Nguyên. Cứ mỗi ngày trôi qua là đàn bò trị giá tiền tỉ của tôi lại chết đi
vài con. Cứ tình trạng này kéo dài, chỉ trong 10 ngày nữa, đàn bò của tôi sẽ chết
sạch’. Để cứu đàn bò của mình, khi thấy con nào có dấu hiệu suy kiệt vì thiếu
nước, chất dinh dưỡng, ông Tấn lại cho uống nước pha đường để giữ lại mạng sống
cho chúng. Tuy nhiên, theo người nông dân này, đây cũng chỉ là giải pháp tình
thế.
‘Mới đây, tôi đã chi đến 30
triệu đồng để đào giếng khoang, mong tìm nguồn nước cho bò uống. Tuy nhiên, giếng
mới dùng được 1 tuần cũng trơ đáy. Trước thực tế này, tôi chấp nhận đầu hàng số
phận là nhìn đàn bò chết dần, chết mòn. Vài ngày gần đây, vì quá đói, đàn bò của
tôi phải tranh nhau ăn cả rác, bao tải. Dù biết rằng chúng ăn vào sẽ sớm tìm đến
cái chết nhưng tôi đành mặc kệ vì chẳng còn cách nào để giúp chúng’, ông Tấn
đau đớn nói.
Cũng lâm vào tình cảnh tương
tự, bà Lê Thị Tâm (ngụ xã Ia Lốp) cũng cho hay, ngoài đàn bò 12 con chịu cảnh
khốn cùng như đàn bò của ông Tấn, đàn dê khoảng 30 con của bà cũng bị ảnh hưởng
nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, đàn dê của bà Tâm chỉ còn lại vài con. ‘Chúng
nó thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng đã chết khô cả rồi. Trời ơi! Hạn hán
nghiêm trọng quá, chúng chết là phải rồi. Đến nay, gia đình tôi đã lỗ cả 100
triệu đồng và vướng vào cảnh nợ nần chồng chất’.
Có mặt tại địa bàn huyện Ea
Súp, PV nhận thấy cảnh tượng đau lòng là bê con vì khát sữa mà chết như rạ. Bà
Bùi Thị Nho (một hộ chăn nuôi bò tại xã Ea Súp) ngậm ngùi chia sẻ: ‘Những ngày
qua, đàn bò gần 100 con của gia đình tôi sinh được 12 bê con. Tuy nhiên, đến
nay chúng đã chết hết vì bò mẹ không có sữa. Trong khi đó, gia đình tôi lại
không còn khả năng kinh tế để bổ sung nguồn sữa bên ngoài. Nhìn thấy bê chết
hàng loạt mà tôi đứt từng khúc ruột. Để vớt vát thiệt hại, mỗi khi có bê con chết,
gia đình tôi mổ ngay rồi mang đi bán cho người quen. Tuy nhiên, vì bò nhà nào
cũng chết nên người dân cũng ngại ngùng khi mua ủng hộ’.
Cũng tại địa bàn huyện Ea
Súp, hàng ngàn con gà, vịt chết như ngả rạ vì nắng nóng. Bên cạnh đó, một số hộ
nuôi chim bồ câu cũng chết dần vì hạn hán. ‘Đàn chim bồ câu của gia đình tôi đã
chết phân nửa vì không chịu nổi nắng nóng. Trong khi đó, lần đầu tiên tôi thấy
đàn gà của gia đình cứ chết lần lượt vì thiếu nguồn nước. Hiện, tôi đang tìm
thương lái để bán sạch đàn gà và đàn bồ câu để gỡ gạc vốn liếng, tuy nhiên
thương lái chê ốm yếu, không có thịt nên trả giá rất bèo’, anh Nguyễn Văn Nam
(ngụ xã Ia Lê) chia sẻ.
Di tản đàn bò để cứu... khát
Cũng tại địa bàn huyện
CưMgar (tỉnh Đắk Lắk), chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Tiều (ngụ thị trấn Ea Pốk)
thốt lên: ‘Gia đình tôi chỉ nuôi 5 con bò nhưng do thiếu nguồn nước uống, thức
ăn nên đã có 1 con chết, những con còn lại cũng đang ngắc ngoải. Nếu trong vài
ngày tới, tình hình không cải thiện, đàn bò của tôi cũng sẽ chết hết. Để có được
số bò này, gia đình tôi đã đầu tư 50 triệu đồng’.
Cũng theo lời bà Tiều, không
chỉ bò mà nhiều loại gia súc, gia cầm khác cũng chết như ngả rạ vì hạn hán. ‘Đây
là lần đầu tiên Tây Nguyên hứng chịu cơn hạn hán nghiêm trọng như vậy. Ngay cả
con người còn không thể chịu nổi nói gì đến vật nuôi’, bà Tiều ngán ngẩm.
Tại địa bàn tỉnh Đắk Nông,
Gia Lai, Kon Tum, nhiều đàn bò, dê, gia cầm của các hộ dân gầy giơ sương vì thiếu
dinh dưỡng. Đơn cử, tại địa bàn xã Ia Đreng (huyện Chư Pứh, tỉnh Gia Lai), đàn
bò của nhiều hộ dân chỉ còn da bọc xương. Nhiều con vì quá suy kiệt không đi được,
phải nằm một chỗ. ‘Đứng trước thiệt hại gần 300 triệu đồng, tôi phải tức tốc đặt
mua 3 tấn thức ăn gồm rơm khô, cỏ, khoai mì để cứu đói. Tuy nhiên, tôi không biết
mình sẽ còn cứu đói được mấy lần nữa’, ông Trần Văn Hải (ngụ xã Ia Dreng) chia
sẻ.
Để đối phó với nạn hạn hán
nghiêm trọng, gia đình ông Hồ Văn Thanh (ngụ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã
phải di tản đàn bò gần 80 con của mình xuống nhà người quen ở tỉnh Bình Phước để
chăm sóc. Ông Thanh nói như mếu: ‘Do gia đình người quen có nhà nằm gần hồ thủy
lợi lớn nên tôi thực hiện cuộc di tản quy mô lớn này để cứu khát, cứu đói đàn
bò của mình. Không biết hiệu quả thế nào nhưng đã thiệt hại vài chục triệu đồng
tiền vận chuyển’.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Phú – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn huyện Ea Súp thông tin: ‘Hạn hán năm nay quá khốc liệt nên số gia súc, gia
cầm trên địa bàn chết khá nhiều, chủ yếu là do thiếu nguồn nước và thức ăn.
Đáng chú ý, một nguyên nhân khiến gia súc chết nhiều cũng được chúng tôi ghi nhận
là do không có nguồn thức ăn, nhiều hộ cho gia súc ăn khoai mì để cầm cự. Tuy
nhiên, vì quá đói nên gia súc ăn nhiều khoai mì dẫn đến hiện tượng trướng bụng
rồi chết. Trước tình trạng hạn hán tại địa phương, chúng tôi đã xin chỉ đạo của
tỉnh để có hướng hỗ trợ người dân’.
Theo M. CƯỜNG – H. NAM (Đời sống & Pháp luật)
Từ khóa: hạn hán, nghiêm trọng, hạn hán, nguồn nước, gia súng, đói, hỗ trợ, hạn hán nghiêm trọng, Tây Nguyên
0 nhận xét:
Post a Comment