(Đời sống) - Dù gần 14 tuổi, nhưng Trúc Ly chỉ cao chừng
40cm, cân nặng 9kg và chưa từng được cắp sách đến trường. Với thân hình bé xíu
như tí hon nên người dân trong vùng thì ví von gọi Trúc Ly là ‘người nhỏ nhất
hành tinh’. Mỗi khi xuất hiện chỗ đông người, Trúc Ly đều phải nhận lấy những
lời trêu cợt, chê bai, nên đành sống tách biệt một mình ở góc nhà.
Trúc Ly tỏ ra ngại ngùng khi có người lạ đến nhà. |
Sống biệt lập vì mặc cảm
Liên tục những ngày qua, đường dây nóng báo
ĐS&PL tiếp nhận nhiều cuộc gọi, thông tin về cuộc sống cơ cực, đầy bất hạnh
của thiếu nữ 13 tuổi Nguyễn Thị Trúc Ly (SN 2002, ngụ tổ 7, ấp An Hòa, xã Trung
Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long), nhưng chỉ cao 40cm, nặng 9kg. Vì
mặc cảm nên thiếu nữ này chưa một lần được đến trường, suốt ngày chỉ biết quanh
quẩn bên góc nhà, chơi một mình. Tuổi thơ của Trúc Ly là những tháng ngày theo
chân bà, bố mẹ rời xa, không bạn bè, không tiếng cười trẻ thơ đúng nghĩa.
Nằm cách trung tâm TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh
Long) khoảng 40km, nơi ở của Trúc Ly sâu hút cuối con lộ bê tông nông thôn. Có
mặt tại nhà bà Nguyễn Thị Hà (SN 1947, bà ngoại Trúc Ly) thì trời đã xế chiều.
Trong nhà rách nát, xập xệ, trống hoác, bà Hà vui vẻ kể: ‘Năm 2001, tôi gả đứa
con gái út tên là Nguyễn Hòa Bình (SN 1982) cho một thanh niên ở xã lân cận tên
Nguyễn Văn Si (SN 1977, ngụ ấp Ngã Thạnh, xã Hiếu Nhơn, huyện Vũng Liêm). Một
năm sau đó thì Hòa Bình có mang và hạ sinh bé gái đầu lòng trông kháu khỉnh nhưng
chỉ cân nặng 0,8kg, người nhỏ thó như con cá lóc, đứng cạnh lon sữa bột loại 1
kg chỉ nhỉnh hơn một chút. Mỗi bữa Trúc Ly ăn chỉ một vài muỗng cơm và một ly
sữa nhỏ là no. Lúc đó, ai cũng sợ về tình trạng sức khỏe của cháu và khuyên gia
đình nên gửi vào bệnh viện, hoặc chùa chăm sóc, nhưng tui nhất quyết không chịu’.
Trúc Ly đang chăm chú vẽ tranh. |
‘Suốt một năm đầu, mẹ Trúc Ly phải vắt sữa
cho con bú vì miệng cháu quá nhỏ không ngậm núm vú được. Đến năm 3 tuổi, Trúc
Ly mới bắt đầu tập đi, bập bẹ nói chuyện, nhưng lại cứ mắc bệnh triền miên. Gia
đình phải chạy vạy vay mượn tiền đưa cháu đi chữa trị hết bệnh viện này đến
bệnh viện khác. Năm lên 6 tuổi, thân hình Trúc Ly vẫn không phát triển, bé xíu
như người tí hon, thấy vậy nên không dám cho cháu đến trường vì sợ các bạn xô
ngã, rồi giẫm đạp lên người nguy hiểm. Mỗi lần Trúc Ly đòi đi chợ, thì tôi đều
bế cháu cho vào chiếc giỏ xách rồi đặt lên xe đạp đèo nhau ra chợ. Trúc Ly đi
đến đâu thì dòng người hiếu kỳ đông nghịt đến đó, tò mò tận mắt xem ‘người nhỏ
nhất hành tinh’. Nhiều người cảm thông đã hết lời an ủi, động viên Trúc Ly sống
hòa nhập cộng đồng. Nhưng, bên cạnh đó cũng không ít người xầm xì, chê bay đã
khiến Trúc Ly thầm buồn nên sống tách biệt, hạn chế đến chỗ đông người và ngại
tiếp xúc với người lạ’, bà Hà chia sẻ.
Cũng theo bà Hà, đã đôi lần Ly đòi đến trường
như chúng bạn, nhưng học chỉ được một ngày rồi lại nghỉ cho tới giờ. Khi hỏi lý
do thì Ly cho biết, người con như tí hon, đi đâu cũng bị mọi người trêu chọc
nên mặc cảm, muốn ở nhà chơi một mình. Những lúc buồn chán Trúc Ly thường xem
ti vi hay tập vẽ tranh. Gần đây, Ly đòi mua kem thoa, sữa tắm, kẹp tóc… để làm
đẹp. Hơn 7 – 8 năm trước, nhiều ‘bầu sô’ các chương trình ca nhạc, hài kịch ở
TP HCM và Hà Nội đã tìm đến tận nhà, thuyết phục cho cô bé tham gia biểu diễn
trước công chúng, nhưng tôi không nhận lời.
Cuộc sống đầy khốn khó
‘Năm 2004, vợ chồng Hòa Bình sinh tiếp đứa em
gái cho Trúc Ly và đặt tên là Nguyễn Thị Bé Nhi. Do cuộc sống khốn khó nên vợ
chồng Hòa Bình đành gửi lại Trúc Ly cho tôi nuôi dưỡng, còn Nhi thì được bên
nội nhận cưu mang, chăm sóc để vợ chồng chúng nó rảnh tay đi làm thuê, làm mướn
lây lắt qua ngày. Bất ngờ, sau đó vợ chồng Hòa Bình tan vỡ, đường ai nấy đi,
cha mẹ Trúc Ly đều lập gia đình mới. Từ đó, Trúc Ly chỉ biết bám víu vào tôi.
Hằng ngày, hai bà cháu sinh sống bằng sự đùm bọc từ những tấm lòng hảo tâm của
láng giềng và chính quyền địa phương’, bà Hà nghẹn ngào.
Tranh vẽ của Trúc Ly. |
Nhìn Trúc Ly hồn nhiên múa hát, vẽ tranh rồi
tô màu khoe với mọi người và cho biết ước mơ được bình yên, có bộ đồ đẹp để đón
xuân về khiến ai cũng chạnh lòng, ngấn lệ. Bà Hà buồn bã: ‘Nhà tôi có cả thảy
bảy người con, tất cả đều lập gia đình, tứ tán làm ăn xa. Riêng mẹ của Trúc Ly
là con gái út trong gia đình, nhưng lại nghèo khó nhất, không thể giúp gì được
cho con dù rằng rất muốn. Hiện, em gái của Trúc Ly đang học tiểu học, sống cùng
bà nội, cơ thể phát triển bình thường.
Vì không có đất đai sản xuất nên cuộc sống
của bà Hà và Trúc Ly gặp vô vàn khó khăn, mọi thứ đều trông chờ vào khoản tiền
chính sách từ người chồng liệt sỹ. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, cán bộ xã Trung
Thành Tây cho biết, gia đình bà Hà thuộc diện chính sách, chồng bà là liệt sỹ,
hàng tháng được hưởng tiền trợ cấp 360.000 đồng. Ngoài ra, chính quyền địa
phương luôn tạo điều kiện giúp đỡ để bà Hà ổn định cuộc sống.
Chị Trần Thị Chính (SN 1972, con dâu bà Hà)
cho biết thêm: ‘Mấy hôm nay, mẹ chồng tôi và cháu Trúc Ly đổ bệnh, nên tôi đã
bỏ hết công ăn việc làm về đây túc trực chăm sóc. Cháu ngày trước được chuẩn
đoán là hở van tim bẩm sinh, không thể mổ trong nước được, phải sang nước ngoài
phẫu thuật, nhưng gia đình không có điều kiện, đành chịu. Để cầm cự, mẹ tôi thường
xuyên đèo Trúc Ly trên chiếc xe đạp cũ vào chùa xin phật tử hỗ trợ, để có thêm
tiền mua thuốc và nuôi cháu’.
Trò chuyện với chúng tôi, Trúc Ly lí nhí bày
tỏ: ‘Con thương ngoại, suốt ngày bên ngoại thấy vui hơn. Buồn thì xem phim trên
ti vi, vẽ tranh, do đi học con bị bạn bè xô đẩy té hoài nên cô giáo không cho
học nữa. Con giờ chỉ muốn khỏe mạnh, muốn cuộc sống bình yên’. Nghe tiếng hỏi
đùa của một người hàng xóm về chuyện lập gia đình, Trúc Ly liền ngắt lời đáp
nhanh: ‘Con còn nhỏ mà, người có bé xíu, sao mà lấy chồng được…’.
Một tiểu thương tên N. (ngụ xã Trung Thành
Tây) bày tỏ: ‘Trước hoàn cảnh của bà Hà, ai cũng xót thương, nhiều người dân
địa phương đã đồng cảm, hỗ trợ và chia sẻ khi thì tiền, khi thì gạo nhằm giúp
hai bà cháu vượt qua khốn khó. Rất mong những tấm lòng hảo tâm gần xa, chung
tay giúp đỡ gia đình bà Hà để giảm bớt gánh nặng cho xã hội’.
Luôn quan tâm giúp đỡ gia đình ‘Bà Nguyễn Thị Hà (SN 1947, ngụ tổ 7, ấp An Hòa, xã Trung Thành Tây, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) là gia đình chính sách, chồng là liệt sỹ. Do mẹ của Trúc Ly đi thêm bước nữa, nên Trúc Ly được bà Hà đón về nuôi dưỡng từ thuở bé. Trước hoàn cảnh này, chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ bà Hà vượt qua khó khăn, nhằm ổn định cuộc sống’, ông Võ Văn Nhiên – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành Tây khẳng định.
Theo THANH LÂM (Đời sống & Pháp luật)
Từ khóa: cô bé tí hôn, cô bé nhỏ nhất hành tinh, nghị lực, bình yên, mơ ước, hoàn cảnh, khốn khó, bệnh lạ, cô bé mắc bệnh lạ, cô bé thu nhỏ
0 nhận xét:
Post a Comment