Home » » 20 năm săn lùng kẻ sát nhân và cuộc điện thoại đẫm nước mắt của cô con gái

20 năm săn lùng kẻ sát nhân và cuộc điện thoại đẫm nước mắt của cô con gái

Written By Anonymous on Sunday 10 April 2016 | 21:21:00

(Pháp luật) - Từng là cán bộ xã được quý mến, chỉ vì phút bốc đồng, không suy nghĩ y đã phải gánh cái án giết người. Sau 20 năm trốn chui trốn lủi, y vẫn không thoát được lưới trời. Câu chuyện về hành trình tầm nã đối tượng Nguyễn Văn Luyện (SN 1959) để lại trong ký ức của các cán bộ trinh sát phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52, Công an tỉnh Thanh Hóa) không ít kỷ niệm.

Đối tượng Nguyễn Văn Luyện tại thời điểm gây án
Đối tượng Nguyễn Văn Luyện tại thời điểm gây án

Cây gậy rơm oan nghiệt

Theo Đại úy Đàm Mạnh Tuấn – trinh sát PC52 (Công an tỉnh Thanh Hóa), đầu 2012, khi tiếp cận hồ sơ vụ việc của đối tượng Luyện, anh khá ngạc nhiên. Bởi lẽ, không như những đối tượng trốn nã khác thường có bề dày ‘thành tích’ bất hảo hoặc chí ít cũng có những điểm đen trong quá khứ, đối tượng Nguyễn Văn Luyện lại rất ‘sạch’ về lý lịch trước khi phạm tội tày trời. Một vợ, 5 con, thời điểm y gây án, đứa con út mới chỉ được hơn 1 tháng tuổi. Bản thân Luyện là một cán bộ tại thôn  Thiệu Yên, huyện Thiệu Hóa, có các anh em cũng đều là cán bộ xã. Luyện từng được người dân trong làng rất yêu mến vì hiền lành, chất phác và hay giúp đỡ những người xung quanh. Thế nhưng...

Giữa năm 1993, khi có thông tin một thanh niên làng khác tên H. vào làng quậy phá, Luyện mới cùng những người dân trong làng chạy ra đuổi đánh. Mục đích ban đầu chỉ để dọa cho H. sợ và không càn quấy nữa, bởi lẽ, đây cũng là một tay có số ở địa bàn bên cạnh, đã nhiều lần sang làng quậy phá. Trước đó người làng cũng đã có nhiều biện pháp nhằm cảnh cáo H. nhưng không ăn thua. Lúc ấy, Nguyễn Văn Luyện cầm cây gậy rơm đuổi theo H. cùng những người khác.

Trong quá trình xô xát giữa H. và người làng, trong đó có Luyện cho nạn nhân bị tử vong. Sau khi H. chết, Luyện và những người trực tiếp gây án nhanh chóng trốn khỏi địa phương. Ngày 28/12/1993, lệnh truy nã về tội giết người đối với Nguyễn Văn Luyện được phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Thanh Hóa, lúc ấy là PC14) đưa ra lập tức.
Trong khi các đối tượng khác, lần lượt bị tóm gọn chỉ trong vòng 2-3 năm sau thì hành tung của Luyện vẫn là một ẩn số đối với cơ quan chức năng...

Những tình tiết ly kỳ

Suốt 20 năm sau đó, với nhiều phương thức đấu tranh song Luyện vẫn bóng chim tăm cá. Sau khi xem xét xong hồ sơ về Nguyễn Văn Luyện, Đại úy Đàm Mạnh Tuấn bắt đầu hành trình tìm hiểu và xin lập chuyên án đấu tranh 133NTX.

Một mình một ‘ngựa’, lặn lội đi đi về về giữa thành phố và xã, mấy chục cây số trong suốt nửa năm trời, anh Tuấn cũng đã có thêm được những thông tin quan trọng về Luyện. Theo đó, Luyện có quá trình lưu lạc ở nhiều địa phương, từ Bình Thuận, Phú Quốc, Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Ninh. Y đổi tên là Năm, làm nhiều nghề lao động chân tay để sinh sống. Thỉnh thoảng, cứ vài năm y lại xuất hiện ở địa phương một hai ngày rồi lại... biến mất.

Tuy nhiên, y cứ đi rồi chính quyền mới nắm được thông tin. Quá trình dò hỏi về Luyện mất rất nhiều thời gian. Đa phần người dân là những người hay đi làm ăn xa ở các tỉnh đều từ chối cung cấp thông tin vì nhiều lý do. Thậm chí, có những thời điểm, chỉ cần nghe thấy tiếng xe máy của anh Tuấn về đến đầu làng là những nhiều người đã tìm cách viện cớ vắng nhà để khỏi phải gặp cán bộ công an. Bản thân Đại úy Tuấn cũng ‘nhẵn mặt’ với vợ con và anh em của y. Anh trai Luyện vốn là công an xã nhưng cũng không cung cấp thêm thông tin gì về em mình mà lúc đó, chỉ trả lời: ‘Nó đi từ lúc ấy (1993) đến giờ có liên lạc gì về với nhà đâu’.

Tới nửa năm sau, nhờ kiên trì vận động quần chúng, thông tin quan trọng về Luyện mới dần hé lộ. Theo nguồn tin cho biết, y đang làm thuê kiếm sống tại quận 12, TP.HCM. Tuy nhiên, khi nhờ cơ quan điều tra quận 12 rà soát các đối tượng trên địa bàn thì không thấy có ai tên Nguyễn Văn Luyện có dấu hiệu khả nghi. Tiếp tục rà soát, trinh sát nhận thấy, cứ lâu lâu vợ Luyện lại vào Nam để thăm nom con cái làm ăn trong đấy, không loại trừ khả năng vào thăm chồng.

Cùng thời gian, lại có thông tin con gái lớn của đối tượng mới xây nhà ở Bình Dương rồi đón mẹ vào. Sau khi chị T. (vợ Luyện) rời khỏi địa phương, trinh sát xác định đây chính là thời cơ để phá án liền lên kế hoạch tầm nã trong thời gian sớm nhất. Được sự đồng ý của lãnh đạo phòng, cuối tháng 8/2012, anh Tuấn cùng các đồng đội Nam tiến...

Nhiều ngày nằm vùng tại địa điểm được cho là nhà của y và vợ con tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nhưng lực lượng truy bắt vẫn không thấy có dấu hiệu nào của đối tượng. Đến đầu giờ chiều ngày 1/9, Luyện xuất hiện. Các trinh sát lập tức ập vào bắt, lúc này y ngỡ ngàng tột độ. Bởi lẽ, suốt 20 năm trốn nã, y ngỡ rằng vỏ bọc của mình là hoàn hảo, công an không thể tìm ra được. Đến khi đọc lệnh bắt tại chỗ, y chỉ biết khóc. Sau 20 năm, so với những nhận dạng ban đầu, Luyện đã đổi thay rất nhiều. Nếu không có những thông tin, đặc điểm nhận dạng mới, có thể khẳng định giữa một Nguyễn Văn Luyện cán bộ xã năm xưa với ‘ông Năm’ của hiện tại.

Tâm sự trong quá trình di lý từ Bình Dương về Thanh Hóa, Đại úy Tuấn cũng được nghe Luyện kể khá nhiều chuyện về quãng đời lẩn trốn của mình. Y từng ra bắc vào nam, thậm chí ngược sang Lào, Campuchia nhưng không nơi nào ở được quá lâu, cuộc sống tủi nhục, không tên, không tuổi, không dám ngẩng đầu dưới ánh mặt trời. Khi y bắt đầu bị truy nã, đứa con nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi, đến khi bị bắt, con y cũng đã vào đại học. Vợ y suốt bấy nhiêu năm vò võ một mình nuôi 5 đứa con. Mặt khác, những cơn ác mộng về tội ác của mình cứ đeo bám suốt 20 năm, khiến y không đêm nào ngủ yên.

Sau khi được di lý về Thanh Hóa một thời gian, vụ án của Luyện cũng được đem ra xét xử. Củng cố tình tiết vụ án với nhiều bằng chứng sát thực, tội danh của Luyện được chuyển từ giết người sang cố ý gây thương tích với mức án hơn 3 năm. Vừa qua, trao đổi với PV báo ĐS&PL một cán bộ công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhờ thành tích cải tạo tốt, 2/9/2015, Luyện được đặc xá trước thời hạn nửa năm. Chính con gái Luyện sau đó đã gọi điện tới đại úy Tuấn trong nước mắt: ‘Cám ơn anh vì đã tìm ra bố em trả án và chịu hình phạt trước pháp luật để bố em sớm được trở về với gia đình như hôm nay. Nếu không, có lẽ giờ này bố em vẫn còn phải sống chui lủi đến hết đời’.


Thông tin nhiễu qua nhiều đời trinh sát
Đại úy Đàm Mạnh Tuấn cho biết, đối tượng Nguyễn Văn Luyện là một trong những đối tượng trốn nã lâu năm nhất trong lịch sử  thành lập PC52, Công an tỉnh Thanh Hóa. Về bản chất, đối tượng là người từng được dân làng quý mến nên qua nhiều đời trinh sát, các đặc điểm cũng như di biến động của y được người dân cung cấp cũng có những sai lệch, gây nhiễu thông tin, khó khăn trong việc xác định cụ thể. Với việc bắt được y, vụ án từ cuối 1993 mới chính thức khép lại.

Theo Đỗ Huệ (Đời sống & Pháp luật)



Share this article :

0 nhận xét:

Post a Comment